Hơn 100 doanh nghiệp và các bên liên quan tái định hình các chính sách và thực hành có trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy quyền trẻ em tại Việt Nam

UNICEF Viet Nam
Nov 30, 2020
Đại diện của hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UNICEF đồng tổ chức hôm nay tại Tp. HCM.
Diễn đàn đã giúp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các bên liên quan tái định hình các chính sách và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, góp phần thúc đẩy quyền trẻ em và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp đã chia sẻ những hiểu biết của mình và có một bài nói chuyện thú vị trong diễn đàn.
Bà kêu gọi các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp quốc gia và vượt qua các yêu cầu tuân thủ để thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về kinh doanh và Quyền Con người như Nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Quyền Con người cũng như Quyền Trẻ em và các Nguyên tắc Kinh doanh.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu khai mạc. Bà chia sẻ rằng “Ngoài quy mô chưa từng có của COVID-19, cuộc khủng hoảng này còn tạo cơ hội cho chúng ta tái định hình và xây dựng lại các hệ thống và nền kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, bao gồm những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta phải làm việc cùng nhau để giữ cho các nền kinh tế phát triển, tránh thiệt hại lâu dài cho hoạt động kinh doanh và công ăn việc làm, đồng thời hỗ trợ trẻ em, các gia đình và cộng đồng vượt qua tình trạng khẩn cấp toàn cầu này. UNICEF kêu gọi mọi doanh nghiệp — dù là quy mô nhỏ, vừa hay lớn — làm bất cứ điều gì có thể để dự đoán và giảm thiểu tác động tiêu cực đến trẻ em, vì trẻ em là mối quan tâm chung của tất cả chúng ta”
Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI cho biết “Để đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách chiến lược, cần phải kinh doanh có trách nhiệm và bền vững. Điều đó có nghĩa là hoạt động kinh doanh phải mang lại lợi ích cho mọi người, bao gồm cả trẻ em, bảo đảm kết hợp chặt chẽ — hợp lý — hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Chúng tôi muốn kêu gọi sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy Quyền Trẻ em và Nguyên tắc Kinh doanh (CRBP) để tái định hình mô hình kinh doanh có trách nhiệm, với các chính sách và thực hành kinh doanh có trách nhiệm với xã hội như là một phần trong ADN của các công ty”.
Diễn đàn hôm nay nêu bật các sáng kiến và mô hình tốt, đồng thời kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn giữa các bên liên quan để vượt ra ngoài yêu cầu tuân thủ và tập trung vào tính bền vững của các hoạt động kinh doanh. Có thể dễ dàng thấy rất nhiều lợi ích nếu các doanh nghiệp đầu tư vào các chính sách đó, chẳng hạn như cải thiện năng suất và hiệu suất của người lao động, quảng bá văn hóa doanh nghiệp, danh tiếng, quan hệ công chúng và giá trị thương hiệu, tất cả đều dẫn đến tăng lợi nhuận.
Các đại biểu cũng thảo luận về cách xây dựng và phục hồi sau đại dịch COVID-19 thông qua chiến lược kinh doanh thân thiện với trẻ em nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em qua các sản phẩm, dịch vụ và các dự án phát triển cộng đồng. Một công ty du lịch và lữ hành đã chia sẻ cách họ lồng ghép các vấn đề bảo vệ trẻ em trong quy tắc ứng xử và đào tạo đối tác. Một trong những nhà sản xuất giày dép lớn nhất tại Việt Nam đã nhấn mạnh sự đầu tư dài hạn của công ty vào cộng đồng để cung cấp nước sạch. Cuộc thảo luận cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đối tác giữa Doanh nghiệp — Tổ chức Xã hội và Đối tác Công — Tư.
“Quyền Trẻ em và các Nguyên tắc Kinh doanh giúp doanh nghiệp đầu tư vào trẻ em và thanh thiếu niên một cách khôn ngoan và có chiến lược để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Trong quá trình thúc đẩy Quyền Trẻ em trong kinh doanh, doanh nghiệp nên hợp tác với các tổ chức xã hội vì họ gần gũi với trẻ em và thanh thiếu niên, có chuyên môn và kinh nghiệm phong phú trong việc thúc đẩy và đảm bảo Quyền trẻ em. Sự hợp tác có thể tạo ra nhiều giá trị được chia sẻ hơn cho cả hai bên và đặc biệt là cho trẻ em và thanh thiếu niên”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) chia sẻ.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam và ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI chúc mừng bà Phạm Chi Lan (giữa), Chuyên gia kinh tế cao cấp và các đại diện sau phần chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và có buổi nói chuyện hữu ích trong diễn đàn .
Diễn đàn doanh nghiệp mang tên “Tái định hình Doanh nghiệp có trách nhiệm: Vì một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em” được tổ chức trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa UNICEF Việt Nam và VCCI về thúc đẩy Quyền Trẻ em và các Nguyên tắc Kinh doanh (CRBP) trong các doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm tăng cường kiến thức, năng lực và cam kết của các doanh nghiệp để tôn trọng và hỗ trợ Quyền trẻ em.

--

--

UNICEF Viet Nam

UNICEF Viet Nam stands up for children's rights, protects their childhood and fulfill their potential. We never give up. For every child, we unites.