UNICEF Viet Nam
4 min readDec 2, 2017

--

UNICEF Viet Nam/2013/Truong Viet Hung

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG EM NHỎ KHÔNG ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG

Với rất nhiều trẻ em dễ bị tổn thương, được đi học không phải là một điều hiển nhiên, mà là một ước mơ còn xa vời.

UNICEF Viet Nam/2013/Truong Viet Hung

Bé Lê Văn Nam, cháu trai của chị Trang ở An Giang là một trong những em nhỏ mà UNICEF có cơ hội tiếp xúc trong một chuyến đi thực địa. Khi nhóm chuyên gia UNICEF tới nhà, Nam dường như rất vui khi được chú ý nhưng không khí thay đổi khi chị Trang bắt đầu kể câu chuyện về Nam. Nam 10 tuổi, cậu bé bị nhiễm HIV. Bố mẹ cậu bé đều mất vì AIDS khi Nam mới lên ba. Nam cùng người anh 13 tuổi là Phạm Văn Trung sống trong ngôi nhà trọ với bác. Chồng của chị Trang đã bỏ đi, để lại chị với hai đứa trẻ. Chị không có việc làm. Thu nhập của họ trông vào tiền bán vé số. Với mỗi vé số, họ lãi được 1000 đồng. Trung bình Nam bán được 40 vé số một ngày, lãi được 40 nghìn đồng.

UNICEF Viet Nam/2013/Truong Viet Hung

“Cháu không có bạn”, Nam nói, “nhưng thỉnh thoảng cháu xin bác 1000 đồng và đến quán cà phê internet chơi trò chơi điện tử trên mạng. Trò chơi ưa thích của cháu là trò Nông trại.”

Phần lớn những đứa trẻ bị nhiễm HIV đều sống chung với họ hàng hoặc ở các trại trẻ mồ côi vì ba mẹ các em đã mất sớm vì căn bệnh. Cuộc sống khốn khó khiến các em phải giúp gia đình kiếm tiền lo cơm ăn áo mặc. Người thân các em lại không có đầy đủ nhận thức về những quyền lợi mà các em được hưởng, như đi học miễn phí.

Cũng tại An Giang, Mai (không phải tên thật), 13 tuổi, sống tại một ngôi nhà tình thương cho trẻ em dễ bị tổn thương. Em là trẻ mồ côi sống cùng với HIV. Sau khi bố mẹ em qua đời 3 năm trước, em được bà chăm sóc. Hai bà cháu rất nghèo nên em đã làm việc tại 1 cửa tiệm bán gạo thay vì đến trường. Bà của em bán xổ số để sống qua ngày nhưng bà đã 80 tuổi và ở trong tình trạng sức khoẻ không tốt. Cuối cùng, bà cũng không thể chăm sóc cho Mai chu đáo và đã liên lạc tới lãnh đạo xã để nhờ trợ giúp.

UNICEF Viet Nam/2013/Truong Viet Hung

May mắn hơn trường hợp bé Nam, Xã đã giới thiệu Mai tới trung tâm về Công tác xã hội và Bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang, nơi có nhân viên xã hội Nguyễn Thành Trung đảm nhiệm tình cảnh của em. “Mai và bà của em là một trong những gia đình nghèo nhất ở vùng này với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống,” anh Trung chia sẻ. “Khi gặp chúng tôi, Mai mắc bệnh viêm phổi nghiêm trọng và bà của em bị gãy chân do tai nạn giao thông. Họ không thể đương đầu với hoàn cảnh này thêm được nữa.

Trung đã sắp xếp cho Mai để em chuyển đến sống ở trung tâm dành cho trẻ dễ tổn thương ở An Giang, nơi em sống trong năm vừa rồi. Giờ đây, em đã có thể đi học và về thăm bà một tuần một lần. “Mai có kết quả học tập rất tốt — cô bé đứng thứ 4 trong lớp,” Trung nói. “Em cũng đang trong quá trình điều trị ARV với HIV nên sức khoẻ của em đã tốt hơn rất nhiều.”

UNICEF Viet Nam/2013/Truong Viet Hung

“Em thích sống ở đây vì có nhiều bạn,” Mai nói. “Em rất thích học Toán ở trường và chơi với các em khác. Trò em thích nhất là bịt mắt bắt dê. Em thích nhân viên ở đây và anh Trung nhân viên xã hội. Họ rất yêu thương em. Em rất nhớ bà nhưng em cũng thỉnh thoảng được gặp bà. Lần trước em thăm bà, bà mua bánh quy cho em.”

“Em rất muốn được ở đây vì em không bao giờ thấy cô đơn. Khi em lớn lên, em muốn trở thành bác sĩ để có thể chăm sóc mọi người.”

Theo thống kê của UNICEF, trên thế giới hiện nay có khoảng 1,4 triệu phụ nữ mang thai đang sống chung với HIV. Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác tại Việt Nam, nhưng chắc chắn còn rất nhiều trẻ em nhiễm HIV chưa nhận được sự quan tâm của gia đình và cộng đồng. Các em sinh ra không được quyền lựa chọn gia đình và số phận của mình, nhưng các em có quyền được quan tâm và hưởng những quyền lợi cơ bản về giáo dục, dinh dưỡng để có cơ hội phát triển tốt nhất trong tương lai.

Câu chuyện được viết bởi Nele Bortoen và Andy Brown.

Chi tiết câu chuyện tại đây: https://goo.gl/AXNp91

--

--

UNICEF Viet Nam

UNICEF Viet Nam stands up for children's rights, protects their childhood and fulfill their potential. We never give up. For every child, we unites.